NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA TẾT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

  Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Cả, Tết ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm Âm lịch quan trọng và có ý nghĩa nhất ở Việt Nam, đánh dấu cột mốc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của trời đất, vạn vật, cỏ cây.

tet

  Tết Nguyên Đán của Việt Nam được tính theo Âm lịch (lịch theo chu kỳ vận hành của Mặt trăng), muộn hơn Tết Dương lịch (hay Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21/01 Dương lịch và sau ngày 19/02 Dương lịch mà thường chỉ rơi vào khoảng giữa những ngày này.

  Tết Nguyên Đán có nguồn gốc như thế nào đến nay vẫn còn là vấn đề đang được tranh cãi. Hầu hết thông tin đều cho rằng ngày Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập về Việt Nam trong 1000 năm Bắc thuộc. Nhưng theo sự tích "Bánh chưng bánh dày" thì người Việt đã ăn Tết từ thời vua Hùng, tức là trước cả khoảng thời gian 1000 năm Bắc thuộc. Theo sự tích và lịch sử, họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang từ năm Nhâm Tuất 2879 trước công nguyên, trị vì cả 2.622 năm. Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân, sau khi nối ngôi, vị vua hiền đức này kết hôn cùng bà Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Từ thời đó, người Việt ta đã ăn Tết. Bắt đầu có bánh chưng, bánh dầy nhờ sáng kiến của Lang Liêu - con trai thứ 18 của vua Hùng Vương 6.

tet

Sự tích bánh chưng - bánh dày. Ảnh sưu tầm.

  Tết Nguyên Đán gắn liền với nền văn minh lúa nước nguyên thủy của Việt Nam. Nền văn minh này phát triển mạnh về nền nông nghiệp. Do nhu cầu canh tác nên một năm được chia thành 24 tiết khí khác nhau. Trong đó tiết đầu tiên cũng là tiết quan trọng nhất trong năm, chính là tiết bắt đầu cho một chu kỳ canh tác, gieo trồng cũng tức là Tết Nguyên Đán. Trong đó chữ “Tết” có nguồn gốc từ chữ “Tiết” tức là tiết khí theo Hán – Việt cổ; “Nguyên” trong tiếng Hán có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai; “Đán” trong tiếng Hán là ngày. Tổng kết lại thì “Tết Nguyên Đán” là ngày đầu tiên của năm tức ngày mùng 1 tháng Giêng.

  Ngày xưa Tết Nguyên Đán kéo dài từ tháng 12 đến hết tháng 3 Âm lịch. Ngày nay, thời gian ăn Tết cổ truyền ở Việt Nam hầu như đã thu ngắn lại, chỉ còn khoảng 7 – 10 ngày. Một số vùng vẫn giữ tập tục ăn Tết lâu hơn, khoảng nửa tháng hoặc hơn. Ngoài ý nghĩa tiễn năm cũ đi, đón năm mới đến, Tết Cổ truyền của người Việt còn có ý nghĩa của sự đoàn viên, sum họp và gặp gỡ trong vui mừng hân hoan với gia đình, người thân, bạn bè.

  Vào dịp Tết Cổ truyền, người Việt dù làm ăn xa đến đâu cũng cố gắng quay về quê hương để quây quần bên gia đình đón năm mới, cùng thăm hỏi người thân, dành những lời chúc mừng tốt đẹp, sự quan tâm, yêu thương nồng ấm cho bạn bè, gia đình. "Về quê ăn Tết", không còn là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn theo quan niệm của người Việt Nam.

tet

Sum họp gia đình. Ảnh sưu tầm

  Bên cạnh đó, Tết Cổ truyền còn là dịp để người Việt bày tỏ lòng thành kính đối với Trời Đất, các vị thần linh và lòng hiếu đạo đối với tổ tiên, những người đã khuất. Do đó, vào dịp lễ này, người Việt có nhiều nghi lễ và phong tục, tập quán khá đặc sắc. Tùy theo từng tôn giáo, tín ngưỡng mà các nghi lễ và phong tục này có sự khác nhau riêng. Vì đây là một trong những ngày lễ quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam, nên mọi thứ phải được chuẩn bị tươm tất nhất với mong muốn một năm mới an khang thịnh vượng, quanh năm đầy đủ ấm no.

tet

Dâng hương đầu năm. Ảnh sưu tầm

tet

Thờ cúng ông bà. Ảnh sưu tầm

  Hơn nữa, Tết Cổ truyền cũng là dịp để mọi người trút bỏ những muộn phiền, âu lo của năm cũ và tin tưởng, hi vọng vào năm mới sẽ may mắn, thành công hơn. Với tất cả các ý nghĩa trên, người Việt chuẩn bị Tết Cổ truyền rất công phu, trang hoàng nhà cửa đẹp đẽ, nấu nhiều món ăn ngon và thực hiện các phong tục truyền thống để cầu may. Đây cũng là dịp tổ chức rất nhiều lễ hội tùy theo đặc trưng của từng địa phương.

  Mặc dù Tết là quốc lễ của mọi người Việt Nam, nhưng mỗi vùng miền, tôn giáo lại có những phong tục tập quán riêng. Tết ở ba miền Việt Nam có thể chia thành ba tiết, gọi là Tất niên (Trước giao thừa), Giao thừa (Giao thừa) và Tân niên (Năm mới), tượng trưng cho việc chuẩn bị trước Tết, thời khắc giao thừa, Tết, lần lượt là những ngày trong và sau Tết. Tất cả những phong tục này là để đón Tết ở Việt Nam.

  Đất nước đổi mới, những nghi lễ tập tục cũng được thay đổi linh hoạt, uyển chuyển để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, song các phong tục như tảo mộ, tất niên, giao thừa, chúc Tết, mừng tuổi... vẫn luôn là nét đẹp trường tồn mãi mãi trong Tết cổ truyền của người Việt.

  Nhân dịp tết đến xuân về, Phân hiệu Trường Đại học Xây dựng Miền Trung thành phố Đà Nẵng chúc quý thầy cô, quý phụ huynh và tất cả các bạn sinh viên một năm mới anh khang, thịnh vượng, một cái tết sum vầy, hạnh phúc và bình an bên gia đình, người thân! Happy new year 2022!!!

Phân hiệu Đà Nẵng.

Tin tức & Sự kiện
Thông tin khác
THÔNG TIN NỘI BỘ
PHÂN HIỆU ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: 544 B Nguyễn Lương Bằng, Q. Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 0236 3842115      Hotline: 0935 081 799 ; 0966 456 890
Web: mucedanang.edu.vn
Email: phanhieudanang@muce.edu.vn
TRỤ SỞ PHÚ YÊN
Địa chỉ: 195 Hà Huy Tập, Bình Kiến, Tp. Tuy Hòa, Phú Yên
Điện thoại: 0257 3823 371
Web: muce.edu.vn
Email: dhxdmt@muce.edu.vn
Copyright © 2019 - Bản quyền thuộc về Trường Đại học Xây dựng Miền Trung - Phân hiệu Đà Nẵng